Trong nền kinh tế thị trường, ngày càng nhiều cá nhân hay doanh nghiệp được thành lập để bước vào con đường kinh doanh, kèm theo đó là sự xuất hiện của hàng loạt các thương hiệu, nhãn hiệu, logo mới.
Điều này dẫn đến việc
xâm phạm thương hiệu và cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến thương hiệu xuất hiện ngày càng nhiều, dưới nhiều hình thức khác nhau.
Cá nhân/doanh nghiệp có thương hiệu bị xâm phạm sẽ chịu nhiều thiệt hại như giảm doanh thu, mất uy tín hay thậm chí bị giả mạo sản phẩm/dịch vụ do mình cung cấp.
Do đó, để bảo vệ quyền lợi của mình một cách tốt nhất, chủ sở hữu thương hiệu cần biết về các hành vi xâm phạm thương hiệu và phương hướng xử lý như trình bày dưới đây.
Xâm phạm thương hiệu là gì?
Điều 129 Luật Sở hữu trí tuệ quy định về các hành vi xâm phạm quyền đối với thương hiệu (hay còn gọi là nhãn hiệu) như sau:
“1. Các hành vi sau đây được thực hiện mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu thì bị coi là xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu:
a) Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ trùng với hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó;
b) Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ tương tự hoặc liên quan tới hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá, dịch vụ;
c) Sử dụng dấu hiệu tương tự với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ trùng, tương tự hoặc liên quan tới hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá, dịch vụ;
d) Sử dụng dấu hiệu trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu nổi tiếng hoặc dấu hiệu dưới dạng dịch nghĩa, phiên âm từ nhãn hiệu nổi tiếng cho hàng hoá, dịch vụ bất kỳ, kể cả hàng hoá, dịch vụ không trùng, không tương tự và không liên quan tới hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu nổi tiếng, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá hoặc gây ấn tượng sai lệch về mối quan hệ giữa người sử dụng dấu hiệu đó với chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng.”
Các hành vi xâm phạm nhãn hiệu, thương hiệu phổ biến
Theo đó, các hành vi sau đây nếu không được phép của chủ sở hữu thương hiệu thì bị coi là xâm phạm:
Hành vi thứ nhất, sử dụng dấu hiệu giống với thương hiệu đã được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ giống với hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo thương hiệu đã được bảo hộ đó.
Hành vi thứ hai, sử dụng dấu hiệu giống với thương hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ tương tự hoặc liên quan tới hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo thương hiệu được bảo hộ đó, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá, dịch vụ.
Hành vi thứ ba, sử dụng dấu hiệu tương tự với thương hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ giống, tương tự hoặc liên quan tới hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo thương hiệu được bảo hộ đó, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá, dịch vụ.
Hành vi thứ tư, sử dụng dấu hiệu giống hoặc tương tự với thương hiệu nổi tiếng hoặc dấu hiệu dưới dạng dịch nghĩa, phiên âm từ thương hiệu nổi tiếng cho hàng hoá, dịch vụ bất kỳ, kể cả hàng hoá, dịch vụ không giống, không tương tự và không liên quan tới hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục hàng hoá, dịch vụ mang thương hiệu nổi tiếng, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá hoặc gây ấn tượng sai lệch về mối quan hệ giữa người sử dụng thương hiệu đó với chủ sở hữu thương hiệu nổi tiếng.
Ví dụ hành vi xâm phạm thương hiệu, nhãn hiệu
Để làm rõ hơn các loại hành vi xâm phạm nêu trên, chúng tôi đưa ra hai trường hợp giả định sau đây:
Trường hợp giả định 1:
Công ty A có thương hiệu “HAPPY” cho sản phẩm nước ngọt đã được đăng ký bảo hộ và được cấp Văn bằng bảo hộ độc quyền. Sau đó, có các công ty sau đã có hành vi xâm phạm thương hiệu của Công ty A như sau:
Công ty B sản xuất nước ngọt và in lên đó chữ “HAPPY”. Đây là hành vi xâm phạm thương hiệu thứ nhất vì Công ty B sử dụng dấu hiệu giống
thương hiệu đã được bảo hộ của Công ty A và cho cùng sản phẩm nước ngọt.
Công ty C sản xuất bia và in lên đó chữ “HAPPY”. Đây là hành vi xâm phạm thương hiệu thứ hai vì Công ty C sử dụng dấu hiệu giống thương hiệu đã được bảo hộ của Công ty A và sản phẩm bia có thể được xem là tương tự với nước ngọt.
Công ty D sản xuất nước ngọt, bia và in lên đó chữ “HAPPI”. Đây là hành vi xâm phạm thương hiệu thứ ba vì Công ty D sử dụng dấu hiệu tương tự thương hiệu đã được bảo hộ của Công ty A và cho cùng sản phẩm nước ngọt hoặc sản phẩm tương tự là bia.
Trường hợp giả định 2:
Công ty A sử dụng chữ “Cocacola” để in lên sản phẩm quần áo do mình sản xuất. Đây là hành vi xâm phạm thương hiệu thứ năm vì thương hiệu “Coca-cola” được coi là nổi tiếng tại Việt Nam.
Hành vi cạnh tranh không lành mạnh đối với thương hiệu
Điều 130 Luật Sở hữu trí tuệ quy định về hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến thương hiệu như sau:
“1. Các hành vi sau đây bị coi là hành vi cạnh tranh không lành mạnh:
a) Sử dụng chỉ dẫn thương mại gây nhầm lẫn về chủ thể kinh doanh, hoạt động kinh doanh, nguồn gốc thương mại của hàng hoá, dịch vụ;
…
c) Sử dụng nhãn hiệu được bảo hộ tại một nước là thành viên của điều ước quốc tế có quy định cấm người đại diện hoặc đại lý của chủ sở hữu nhãn hiệu sử dụng nhãn hiệu đó mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng là thành viên, nếu người sử dụng là người đại diện hoặc đại lý của chủ sở hữu nhãn hiệu và việc sử dụng đó không được sự đồng ý của chủ sở hữu nhãn hiệu và không có lý do chính đáng;
d) Đăng ký, chiếm giữ quyền sử dụng hoặc sử dụng tên miền trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu, tên thương mại được bảo hộ của người khác hoặc chỉ dẫn địa lý mà mình không có quyền sử dụng nhằm mục đích chiếm giữ tên miền, lợi dụng hoặc làm thiệt hại đến uy tín, danh tiếng của nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý tương ứng.
2. Chỉ dẫn thương mại quy định tại khoản 1 Điều này là các dấu hiệu, thông tin nhằm hướng dẫn thương mại hàng hoá, dịch vụ, bao gồm nhãn hiệu, tên thương mại, biểu tượng kinh doanh, khẩu hiệu kinh doanh, chỉ dẫn địa lý, kiểu dáng bao bì của hàng hoá, nhãn hàng hoá.
3. Hành vi sử dụng chỉ dẫn thương mại quy định tại khoản 1 Điều này bao gồm các hành vi gắn chỉ dẫn thương mại đó lên hàng hoá, bao bì hàng hoá, phương tiện dịch vụ, giấy tờ giao dịch kinh doanh, phương tiện quảng cáo; bán, quảng cáo để bán, tàng trữ để bán, nhập khẩu hàng hoá có gắn chỉ dẫn thương mại đó.”
Theo đó, các hành vi sau đây được coi là hành vi cạnh tranh không lành mạnh
Hành vi thứ nhất, hành vi sử dụng chỉ dẫn thương mại gây nhầm lẫn về chủ thể kinh doanh, hoạt động kinh doanh, nguồn gốc thương mại của hàng hoá, dịch vụ.
Hành vi thứ hai, hành vi sử dụng thương hiệu được bảo hộ tại một nước là thành viên của điều ước quốc tế có quy định cấm người đại diện hoặc đại lý của chủ sở hữu nhãn hiệu sử dụng nhãn hiệu đó mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng là thành viên, nếu người sử dụng là người đại diện hoặc đại lý của chủ sở hữu nhãn hiệu và việc sử dụng đó không được sự đồng ý của chủ sở hữu nhãn hiệu và không có lý do chính đáng.
Hành vi thứ ba, hành vi đăng ký, chiếm giữ quyền sử dụng hoặc sử dụng tên miền trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với thương hiệu, tên thương mại được bảo hộ của người khác hoặc chỉ dẫn địa lý mà mình không có quyền sử dụng nhằm mục đích chiếm giữ tên miền, lợi dụng hoặc làm thiệt hại đến uy tín, danh tiếng của nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý tương ứng.
Ví dụ về hành vi cạnh tranh không lành mạnh
Ví dụ về hành vi cạnh tranh không lành mạnh thứ 1
Công ty A sử dụng chữ “Tân Hiệp Phát” lên sản phẩm bánh kẹo của mình, điều này có thể dẫn đến việc người tiêu dùng được hướng dẫn thương mại rằng sản phẩm bánh kẹo của Công ty A là của Tập đoàn nước giải khát Tân Hiệp Phát. Đây là hành vi cạnh tranh không lành mạnh.
Ví dụ về hành vi cạnh tranh không lành mạnh thứ 2
Công ty A làm đại lý cho Công ty B của Nhật Bản để phân phối sản phẩm lốp xe mang thương hiệu “YAMAMOTO” đã được bảo hộ độc quyền tại Nhật Bản. Tuy nhiên, Công ty A sau đó đã tự ý in chữ “YAMAMOTO” lên các sản phẩm lốp xe do mình tự sản xuất mà không xin phép Công ty B, đây là hành vi cạnh tranh không lành mạnh.
Ví dụ về hành vi cạnh tranh không lành mạnh thứ 3
Hiện nay nhiều cá nhân, đơn vị đăng ký các tên miền như: dienmaynguyenkimvn(dot)com, nguyenkim(dot)net(dot)vn, trungtamnguyenkim1(dot)com , dichvunguyenkim(dot)com, dichvunguyenkim(dot)net, v.v. để lợi dụng uy tín của Công ty Cổ phần Thương mại Nguyễn Kim (Điện máy Nguyễn Kim) nhằm trục lợi. Đây là hành vi cạnh tranh không lành mạnh.
Nếu Quý khách cần tư vấn thêm về các hành vi xâm phạm thương hiệu, phương hướng xử lý khi thương hiệu bị vi phạm hoặc các vấn đề khác liên quan đến thương hiệu vui lòng liên hệ với
dịch vụ đăng ký thương hiệu độc quyền của chúng tôi để được hỗ trợ.